Sergiy,ỗlựcgiữhuyếtmạchngànhthépcủchèn video vào powerpoint công nhân lò cao, đang kiểm tra tạp chất trong dòng sắt thô nung chảy ở nhiệt độ 1.400 độ C. Cách nhà máy 40 km, các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Ukraine và Nga đang diễn ra.
Từ khi cuộc chiến bắt đầu, ngành công nghiệp kim loại của Ukraine, nơi chủ yếu nằm ở vùng tiền tuyến, đã chịu thiệt hại lớn về nhà xưởng, nhân viên, nhà cung cấp và khả năng tiếp cận các trung tâm xuất khẩu quan trọng.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nền kinh tế Ukraine thiệt hại 411 tỷ USD trong năm đầu cuộc chiến. Nhà máy Zaporizhstal thuộc tập đoàn khai thác mỏ và thép Metinvest của Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ukraine.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là cứu công ty, cứu tài sản, để sống sót", Oleksandr Myronenko, giám đốc điều hành của Metinvest, nói.
Các nhà máy thép như Zaporizhstal đóng vai trò then chốt đối với kinh tế Ukraine. Duy trì sản xuất dù ở sản lượng thấp cũng cho thấy khả năng phục hồi của ngành.
Ngoài ra, các nhà máy còn là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu của Ukraine: Tiểu đoàn Azov đã ẩn náu tại nhà máy thép Azovstal, chống cự lực lượng Nga nhiều tuần trước khi thất thủ trong cuộc chiến bảo vệ thành phố cảng Mariupol.
Nhà máy Zaporizhstal là một mạng lưới đường ống, đường bộ, đường sắt và kho bãi rộng lớn ở Zaporizhzhia, nam Ukraine, nơi Nga đã tuyên bố sáp nhập nhưng chưa kiểm soát toàn bộ diện tích.
Phát ngôn viên nhà máy cho hay lò cao chỉ nguội đúng hai lần trong lịch sử, một lần thời Thế chiến II và một lần khi Nga đưa quân tới. Bất chấp giao tranh gần nhà máy, Myronenko cho hay Zaporizhstal vẫn sản xuất khoảng 70% sản lượng trước xung đột. Đa số sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ hoặc châu Âu.
"Tôi dự tính năm nay sẽ sản xuất nhiều thép hơn năm 2022", ông nói. "Có thể đánh giá đây là kết quả tốt".
Nhưng xuất khẩu bị cản trở do Nga phong tỏa các cảng biển ở Biển Đen và pháo kích cảng Izmail ở sông Danube. Tháng trước, Metinvest đã cố vận chuyển hàng trên ba con tàu mắc kẹt ở Biển Đen nhưng Myronenko cho hay các chủ tàu ngại điều thêm tàu. Ông đặt hy vọng vào các tuyến đường thay thế Biển Đen mà Ukraine đang thử.
Giống các cảng biển, nhà máy Zaporizhstal bị đe dọa trước các cuộc tấn công của Nga. Nhà máy có hầm trú bom nhưng một số công nhân không thể rời vị trí lúc không kích xảy ra.
"Không thể dừng ngang", Sergiy, 30 tuổi, giải thích. "Đáng sợ nhưng chúng tôi làm gì được? Phải đi làm mới có tiền nuôi gia đình. Nếu không chỉ còn cách ra chiến trường".
Khoảng 8.000 công nhân Metinvest đã được huy động hoặc tình nguyện nhập ngũ.
Tại ArcelorMittal Kryvyi Rig, nhà máy thép lớn nhất Ukraine, cách Kryvyi Rig khoảng 130 km về phía tây, 2.600 nhân viên đã ra chiến trường và hơn 100 người đã chết. Nhà máy thuộc sở hữu của một công ty cổ phần có trụ sở tại Luxembourg, từng có 26.000 nhân viên trước cuộc chiến nhưng bây giờ chỉ còn 12.000 người làm toàn thời gian.
Zaporizhstal mất 1/3 trong số 10.500 công nhân kể từ khi xung đột nổ ra. Do cắt giảm sản xuất, một số nhân viên chỉ còn được trả 2/3 lương, trong khi những người khác nhập ngũ hoặc chuyển đi nơi khác.
Trước cổng nhà máy treo tấm biển đề chữ: "Cùng nhau chiến thắng". Nhà máy đã dừng thiết bị làm mát bằng nước hồi mùa hè sau vụ vỡ đập ở sông Dnipro, khu vực cách đó 55 km và quân Nga cố thủ ở bờ bên kia.
"Xung đột khiến chúng tôi phải ứng biến", Vladislav Tyurin, quản đốc 39 tuổi nói.
Trong số 350 người do anh quản lý có 65 người tham chiến và 4 người đã chết. Tyurin cho hay 4 người bị thương hồi tháng 12/2022 khi tên lửa của Nga lao vào nhà máy.
Khi được hỏi họ phản ứng thế nào mỗi khi tiếng chuông báo động không kích vang lên, lẫn với tiếng gầm rú của máy móc và tiếng kim loại trên các dây chuyền đúc, anh trả lời: "Chúng tôi sợ".
Vitaliy, quản đốc 33 tuổi, cho hay một tuần trước, lực lượng Nga đã bắn phá khu vực bằng rocket và máy bay không người lái suốt 4 giờ. "Chúng tôi ngồi trong hầm trú bom tới 9h. UAV và rocket lượn bên trên", anh nói.
ArcelorMittal cho biết "trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn", công ty đã lập "kế hoạch hậu cần thay thế" cho nhà máy. Công ty từng xuất khẩu 85% sản lượng, chủ yếu sang Trung Đông và châu Phi, nhưng hiện nay đa số xuất sang châu Âu.
Tyurin thừa nhận sản lượng "không đáng kể" so với thời điểm trước xung đột. Nhưng anh tin tưởng thép của nhà máy sẽ cần thiết cho công cuộc tái thiết Ukraine hậu chiến.
"Họ đã phá tan một phần đất nước. Để tái thiết, xây dựng, chúng tôi cần sản phẩm kim loại", anh nói, nhấn mạnh nhà máy sẵn sàng thực hiện các đơn đặt hàng và "đang chờ lệnh khởi động hết công suất".
Hồng Hạnh(TheoAFP)